BÀI DỰ THI ĐẠI SỨ VĂN HOÁ ĐỌC 2021 MS 13: Phạm Ngọc Thăng 69DCDD21
Đề thi số 1:
Câu 1: Chia sẻ về một cuốn sách mà anh (chị) yêu thích, đã làm thay đổi nhận thức hoặc cuộc sống của anh (chị).
“Cái quý nhất của con người ta là đời sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí,cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để đến khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người. Và ta phải sống gấp lên mới được. Vì tật bệnh vô lý hay một sự tình cờ bi đát nào đó có thể bỗng nhiên cắt đứt cuộc đời”.
Đây là câu nói mà tôi cảm thấy tâm đắc nhất trong cuốn sách ‘Thép đã tôi thế đấy’ của tác giả Nhi-ca-lai A-xtơ- rốp-xki. Không phải chỉ vì một câu nói hay mà tôi đã yêu thích quyển sách này mà còn vì cuốn sách cho tôi thấy cái chết không phải là việc đáng sợ nhất. Nhân vật chính và những người đồng đội của mình đã sống đúng như cách mà những thanh thép được tôi luyện. Dưới sự dẫn dắt của Đảng cộng sản đã từng bước vượt qua những con đường gian khổ, trưởng thành lên trở thành thế hệ thanh niên Xô viết quả cảm đầu tiên.
Tôi đã đọc cuốn Thép đã tôi thế đấy một cách say mê, ngấu nghiến, cuốn sách mở ra cho tôi biết bao nhiêu điều thú vị, lôi cuốn và cảm động. Pa-ven hay chính tác giả Nhi-ca-lai A-xtơ- rốp-xki đã phải chôn chân bên giường bệnh của mình trong quá trình cho ra đời quyển sách khi mà bệnh tật đã tàn phá chín phần mười cơ thể của ông, mù lòa và bại liệt.
“Anh trước hết là người của Đảng, sau đó mới là người của em và những người thân khác”.
Không chỉ Pa-ven, còn có những thanh niên khác như Xéc-gây bạn thân anh bất chấp việc người nhà hết lòng can ngăn, đe dọa nhưng cũng không sao chia cách được tình yêu của anh với Đảng, cả cô em Va-li-a cũng không tiếc chi đời xanh và cái chết của cô vẫn còn ám ảnh tôi mãi.
“Chết mà biết mình chết vì một sự nghiệp gì thì chết cũng đáng lắm”.
Khi thời bình được lập, thật đáng buồn khi thấy những lớp thanh niên ngày nay chỉ biết sống an phận, sống thiếu lí tưởng, hoài bão, họ đã quên thế nào là lí tưởng Đảng, lí tưởng cách mạng. Những “thanh thép Pa-ven” cũng đã không còn nữa, liệu xã hội ngày nay với lớp trẻ có thái độ sống thiếu tích cực như vậy có thể xây dựng một xã hội tiến bộ để tiếp tục những công việc mà những người đi trước để lại? Có lẽ họ đã không biết rằng để cho ra lò những thanh thép cứng cáp như Pa-ven phải ở trong lò nung ngàn độ. Phải chống chịu với giặc rét, giặc thổ phỉ, giặc bệnh tật, bị sưng phổi nặng và bị thương hàn. Đồng đội đã tưởng Pa-ven bị chúng quật ngã nhưng hết lần này đến lần khác, anh đã một lần nữa thập tử nhất sinh mà sống trở lại. Có lẽ thần Chết cũng không thể nào thắng nổi lòng ham sống, ham chiến đấu của anh.
“Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình
Tuổi hai mươi làm sao không tiếc
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc”
Để có một nền Xã hội chủ nghĩa, một cuộc sống độc lập, tự do, hạnh phúc, nhiều người đã ra đi không chút “tiếc tuổi hai mươi” của mình để chiến đấu. Không ngại hi sinh, gian khổ như những Pa-ven, những Xéc-gây, những Va-li-a, những Giắc-ky, cả một lớp thanh niên lao động. Nói đến đây, tôi lại nhớ đến Quỳnh-sơn ca, Vịnh-sưa, Mừng, Bồng-da rắn trong tiểu thuyết “Tuổi thơ dữ dội” của Phùng Quán. Các em thậm chí đã ngã xuống khi chưa đến tuổi đôi mươi, chiến đấu với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Những lớp người đầu tiên đó đã ra đi, làm tấm gương soi sáng cho thế hệ tầng lớp sau này vì những chiến công hiển hách, vì họ là những bông hoa làm đẹp thêm cho đời.
Có những lần trong cuộc sống, tôi cảm thấy chênh vênh, muốn buông xuôi tất cả. Năm lên 12, khi tôi quyết định ôn thi vào đại học, phải nói những ngày tháng đó làm tôi không muốn nhớ lại. Đầu óc tôi như một tờ giấy trắng, tôi không có khái niệm, cũng chả có một chút gì về bài vở do sự ham chơi bỏ bê học hành từ trước. Có những lúc tôi đã muốn bỏ cuộc suy nghĩ là ở nhà kiếm cái nghề tự nuôi bản thân, nhưng khi thấy được cuốn sách ‘Thép đã tôi thế đấy’ nó như mở ra cho tôi niềm hi vọng. Sự quyết tâm với tất cả nỗ lực không lùi bước. Cạnh đó là hình ảnh vất vả sớm hôm của cha mẹ lại tiếp thêm cho tôi động lực giành lấy một tấm vé vào đại học một cơ hội để thay đổi cuộc sống sau này trong sự sung túc đầy đủ. Và nhờ cuốn sách ấy, mỗi khi tôi cảm thấy áp lực tôi lại ngồi nhẩm trong đầu dòng suy nghĩ của Pa-ven.
“Thế chỉ là anh hùng rơm đây thôi mi ạ! Tự sát như thế, một thằng khốn nạn bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu cũng làm được. Đấy là lối thoát dễ nhất mà cũng là hèn nhất. Sống có khó khăn thì làm một phát cho xong đời. Nhưng mi đã thử chiến thắng cuộc đời hóc hiểm ấy chưa? Mi đã làm hết cách để dứt ra khỏi vòng đai thép đang chịt lấy cổ mi chưa? Mi quên rồi sao, trước thành Nô-vô-gơ-rát Vô-lưn-ski, mi và đồng đội của mi đã từng tung mười bảy đợt xung phong một ngày và đã biết chống lại tất cả để chiếm kỳ được lấy thành? Thôi hãy cất súng đi và đừng có hở chuyện này với ai. Hãy biết sống cả những khi cuộc đời trở nên không thể chịu được nữa. Hãy làm cho đời mi còn có ích”.
Rồi như một cái xe không phanh, tôi lao vào học, tôi đã làm được, cho đến tận bây giờ tôi vẫn không tin mình đã làm được như thế. Tôi đã dũng cảm vượt qua những giây phút yếu mềm để vực dậy lòng tự tin không thể để cho cuộc đời mình trôi qua một cách hoang phí như cái cách mà Pa-ven đã làm khi anh đã chán nản đến độ muốn kết liễu đời mình.
“Thép đã tôi thế đấy” ra đời không chỉ thổi bùng ngọn lửa đấu tranh, ca ngợi cách mạng tháng Mười Nga lúc bấy giờ, mà nó còn đề cao tinh thần ham sống và phẩm chất của con người mãi còn vang dội trong thế hệ trẻ ngày nay. Pa-ven có thấy sợ hãi, có thấy đau khổ khi đấu tranh vì hạnh phúc của nhân loại? Hoàn toàn ngược lại, Pa-ven vui sướng, coi đó là sức mạnh khắc phục thống khổ, hạnh phúc. Và cảm ơn Pa-ven, cảm ơn “Thép đã tôi thế đấy” đã thay đổi con người tôi từ đấy. Khi việc tìm kiếm quyển sách không quá khó khăn như trước nữa, sao bạn không thử tìm đọc nó? Tôi nghĩ bạn sẽ không tiếc thời gian đã bỏ ra, nhất là sau khi đọc xong quyển tiểu thuyết đẹp đẽ ấy.
Câu 2: Nếu được chọn làm Đại sứ Văn hóa đọc, anh (chị) có kế hoạch và biện pháp gì để khuyến khích mọi người đọc sách nhiều hơn?
Có ai đó đã từng nói rằng: Đọc sách có thể không giàu, nhưng không đọc, chắc chắn nghèo! Bạn có thể giàu có về vật chất nhưng về trí tuệ và đời sống tinh thần sẽ không thể đủ đầy và rộng mở nếu bạn không đọc sách. Sách mở ra cho ta thế giới mới, mang ta đến những chân trời mới và điều quan trọng hơn hết, sách là người bạn thân thiết nhất sẽ không bao giờ bỏ ta đi. Với tôi, việc đọc sách quan trọng rất nhiều. Nếu được vinh dự chọn để trở thành một Đại sứ văn hóa đọc thì tôi sẽ có những suy nghĩ, hành động và việc làm để lan tỏa tình yêu đọc sách đến với mọi người. Tôi tin tôi làm được, và bạn cũng thế.
Tất cả mọi vấn đề đều xuất phát từ nguyên nhân cụ thể.Trước tiên, bản thân tôi sẽ tìm hiểu kĩ về nguyên nhân vì sao khiến mọi người không thích đọc sách. Có thể thấy rằng, từ xưa đến nay, việc đọc sách tại đất nước ta chưa được chú trọng nhiều. Ảnh hưởng trực tiếp đến việc đọc sách phải kể đến ngành giáo dục bởi đây là một trong những ngành ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức ngay từ khi còn nhỏ của học sinh. Hơn nữa, cha mẹ, gia đình đều không có những nhắc nhở hay định hướng cụ thể cho các em khi còn nhỏ để giáo dục các em về văn hóa đọc sách. Ngoài ra, việc các tổ chức, đoàn thể không chú trọng đẩy mạnh công tác đọc sách đã gây ra nhiều những trở ngại cho việc tiếp cận văn hóa đọc của mọi người. Và còn thêm rất nhiều những nguyên nhân khách quan khác tác động đến việc đọc sách của mọi người, nhưng có lẽ quan trọng nhất vẫn là nguyên nhân chủ quan từ chính trong suy nghĩ, nhận thức của mỗi chúng ta. Chúng ta thường có tư tưởng ỷ lại, lười nhác, đặc biệt trong việc đọc sách. Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển rầm rộ như ngày nay, chúng ta có tư tưởng bất cứ thứ gì cũng được tìm kiếm trên các trang web. Thông tin tràn lan, cập nhật hàng ngày, đỡ mất thời gian và tiền bạc để đi mua sách.
Trước những thực trạng và nguyên nhân trên, bản thân tôi muốn đề xuất một số giải pháp sau:
Thứ nhất, bản thân mỗi người cần nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của việc đọc sách. Chỉ khi nhận thức được vai trò quan trọng của việc đọc sách, bản thân chúng ta mới có động lực và ý thức được bản thân mình.
Thứ hai, cần lập ra kế hoạch cụ thể khi bạn đọc sách. Nếu bạn đọc một cuốn sách theo cách thông thường, tức là khi nào rảnh mới đọc, có nhiều khi vì quá bận rộn nên sao nhãng việc đọc sách, khiến việc đọc sách kéo dài thời gian nhiều tháng. Điều này khiến việc đọc sách không được liền mạch và đôi khi bạn sẽ phải xâu chuỗi lại những chi tiết trong cuốn sách mới có thể hình dung được đến phần mình đọc. Từ hôm nay, bạn hãy tự đặt ra cho mình những kế hoạch đọc sách theo quy củ. Thời gian nào đọc sách, đọc vào lúc mấy giờ? Mỗi ngày đọc những cuốn sách nào? Mỗi ngày dự định đọc được bao nhiêu trang?Khi thiết lập được kế hoạch, mục tiêu đọc sách của mình, chúng ta sẽ thực hiện có trình tự và sẽ đạt được những hiệu quả nhất định. Điều này cũng khiến bạn rèn luyện thói quen tự ý thức trách nhiệm đối với bản thân.
Thứ ba, việc lựa chọn những cuốn sách thực sự cần thiết với bản thân. Điều này khá quan trọng vì khi bạn cần bổ sung tri thức nào thì bạn sẽ cảm thấy có động lực và hứng thú hơn so với việc đọc những cuốn sách vô bổ, thậm chí là không lành mạnh, không mang lại lợi ích cho bộ não của bạn. Thời điểm lựa chọn một cuốn sách thích hợp đối với bản thân mình rất quan trọng. Theo tôi, đây cũng chính là lợi ích lớn nhất mà việc đọc sách mang lại. Nếu bạn đang buồn chán, mất niềm tin vào cuộc sống, bạn được tặng một cuốn sách tiếp thêm cho bạn động lực và niềm tin, chắc chắn bạn sẽ thấy những vấn đề mình gặp phải vô cùng đơn giản và có thể giải quyết nó một cách dễ dàng. Nếu bạn đang thất tình, bạn mất niềm tin vào tình yêu, bạn tìm thấy một cuốn sách về hạnh phúc, cách tự học yêu lấy bản thân mình, bạn ắt hẳn sẽ cảm thấy cuộc đời đáng sống và còn nhiều điều đang chờ đón bạn phía trước nhiều hơn là việc ủ rũ về một mối tình dĩ vãng đã qua. Bản thân tôi cũng là người tìm được cho mình những cuốn sách hay và cần thiết trong những lúc mất niềm tin nhất. Một người bạn đã tặng tôi cuốn sách Đắc nhân tâm khi tôi mới bắt đầu chập chững bước chân vào đời. Cuốn sách đến với tôi đúng thời điểm và tôi tìm được trong đó nhiều ý nghĩa hơn những gì tôi nghĩ. Cuốn sách mang lại cho tôi nhiều điều bổ ích và nhờ nó, tôi đã không còn cảm thấy quá bỡ ngỡ trước những sự dối trá lọc lừa, hay hiểu được tính tình cách ứng xử với từng người sao cho cả ta và họ đều thấy thoải mái nhất. Vậy mới thấy được, việc đọc một cuốn sách đôi khi có thể làm thay đổi cả suy nghĩ, tình cảm và thậm chí là cả cuộc đời bạn.
Thứ tư, tôi nghĩ chúng ta nên tạo ra một không gian đọc sách thoải mái. Bạn sẽ không thể ngồi trong một phòng ồn ào với tiếng cười nói để “nghiền” một cuốn sách được. Hay bạn cũng không thể đọc chúng trong những không gian tối tăm, ẩm thấp hay gò bó…Điều mà bạn cần làm là hãy tạo ra một không gian riêng cho việc đọc sách của mình thêm thoải mái và tự do tư tưởng. Hãy tìm một căn phòng tĩnh mịch, một chiếc ghế tựa và thả mình với những trang sách đầy suy tư.
Thứ năm, tôi khuyên bạn hãy thường xuyên đến thư viện. Việc đến thư viện sẽ giúp cho bạn có những lựa chọn nhất định cho những dự định đọc sách của mình. Tại nơi đây, bạn cũng sẽ có một không gian thoải mái để đọc sách hay có thể trao đổi tri thức từ những gì mình đọc được với bạn bè, mọi người xung quanh. Việc trao đổi tri thức đôi khi cũng khiến thế giới tri thức của chúng ta thêm rộng mở.
Tiếp theo, tôi khuyên bạn nếu có thời gian hãy tham gia vào những câu lạc bộ sách. Đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên hiện nay, mỗi trường học đều có một câu lạc bộ sách. Đây là nơi các bạn có thể trao đổi sách với nhau, mượn trả hay bình phẩm về một cuốn sách.Điều này giúp bạn có thêm nhiều tri thức hơn và đồng thời cũng có những nhận thức mới về những cuốn sách mình dự định sẽ đọc.
Tôi cũng khuyên bạn nên tham gia vào các sự kiện hội sách. Tại những địa điểm nhất định sẽ có những hội sách để mọi người có thể mua bán, đổi trả, trao đổi sách cũ, mới với nhau. Điều này vừa giúp bạn có thêm những lựa chọn về những quyển sách trong tủ của mình vừa tiết kiệm được một khoản tiền nho nhỏ khi mua sách cũ.
Việc đọc sách sẽ được ý nghĩa hơn nếu bạn lan tỏa văn hóa đọc sách đến với mọi người. Là một người trẻ tuổi, hãy mang niềm đam mê và nhiệt huyết của mình để lan tỏa điều ấy đến với mọi người xung quanh. Khi ấy, việc đọc sách của bạn còn có ý nghĩa vô cùng lớn lao vì nó đã được lan tỏa đến với mọi người. Bạn đọc sách, tôi đọc sách và mọi người cùng đọc sách.
Bản thân tôi đã, đang và sẽ thực hiện những kế hoạch và phương pháp trên cho việc đọc sách của mình thêm hiệu quả hơn. Tôi hi vọng bạn sẽ giúp tôi lan tỏa những cuốn sách hay, những cách đọc sách hiệu quả đến với mọi người để văn hóa đọc sách trở nên phổ biến đối với mọi người. Hãy thử tưởng tượng, một ngày bạn ra công viên, những nơi công cộng, thay vì những chiếc điện thoại trên tay, mọi người đang cầm những cuốn sách. Hãy tưởng tượng trong khuôn viên trường, các bạn học sinh sinh viên ngồi trao đổi ý nghĩa của những cuốn sách mình đọc được thay vì túm tụm lại để bàn về một chiếc váy mới mua hay một trào lưu nào đó mới mẻ của giới trẻ. Hãy thử tưởng tượng trong những ngôi nhà, sau giờ ăn cơm, cha mẹ sẽ ngồi lại và đọc cho con nghe một cuốn truyện, một cuốn sách hay về cuộc sống thay vì những chương trình giải trí trên truyền hình. Thật sự tuyệt vời biết bao…Người ta thường nói sách vừa là một người bạn, vừa là một người thầy. Cả thế giới đang nằm trong tầm tay bạn, thực hiện được hay không là do bạn… Hãy thay đổi nhận thức ngay từ hôm nay để bước đến với những thế giới tri thức ý nghĩa của nhân loại.
Tôi làm được, và bạn cũng thế!