BÀI DỰ THI ĐẠI SỨ VĂN HOÁ ĐỌC 2021 MS 09: TRẦN HẢI LONG 69DCDD21

BÀI DỰ THI ĐẠI SỨ VĂN HOÁ ĐỌC 2021 MS 09: TRẦN HẢI LONG 69DCDD21

ĐỀ THI SỐ 2

Câu 1: Chia sẻ về phương pháp đọc sách hiệu quả và tác động của phương pháp đọc đó đối với học tập, công tác và phát triển kiến thức, kỹ năng của bản thân.

Câu 2: Nếu được chọn là Đại sứ Văn hóa đọc, anh (chị) có kế hoạch và biện pháp gì để khuyến khích mọi người đọc sách nhiều hơn.

BÀI LÀM

Câu 1:

Người ta thường nói, sách là kho tàng tri thức của nhân loại. W.Churchill từng nói“Gặp được một quyển sách hay nên mua liền dù đọc được hay không đọc được, vì sớm muộn gì cũng cần đến nó”.  M.Go-rơ-ki cũng từng khẳng định “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới”. Quả đúng như vậy, việc đọc sách từ lâu đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong hành trình tìm kiếm tri thức và hoàn thiện nhân cách của mỗi người. Sách chính là nguồn cung cấp tri thức khổng lồ mà ta sẽ khó có thể khai thác hết. Có rất nhiều các loại sách: sách khoa học, sách văn học, sách kinh doanh,.. Mỗi loại sách đó sẽ cho ta những kiến thức và hiểu biết khác nhau và phù hợp với từng đối tượng khác nhau. Doanh nhân sẽ tìm sách kinh doanh để đọc. Bác sỹ sẽ đọc sách về ngành y… Với sinh viên chúng ta thì đọc sách lại càng có vai trò quan trọng: vừa giúp ta tích lũy, nâng cao kiến thức, vừa cho chúng ta những bài học quý báu về cách sống, cách đối nhân xử thế. Nhưng đối với tình xã hội hiện đại và phát triển, con người bị cuốn vào vòng xoáy “cơm, áo, gạo tiền” vô tình đã giết chết thói quen đọc sách mỗi ngày của con người. Chính điều này đã khiến chúng ta bỏ lỡ rất nhiều điều thú vị mà những trang sách có thể mang tới. Hãy dành chút thời gian, để sống chậm lại và rèn luyện cho mình thói quen đọc vài trang sách mỗi ngày.

Vậy làm thế nào để đọc sách một cách hiệu quả?

Đầu tiên, trước khi đọc sách thì chúng ta cần biết chọn sách để đọc. Những kiến thức trong sách sẽ ảnh hưởng đến nhận thức và suy nghĩ của chúng ta. Việc đọc sách không chỉ giúp chúng ta mở rộng hiểu biết về chuyên môn mà sách còn giúp chúng ta hoàn thiện bản thân và nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người. Sách dạy ta đạo làm người, cách đối nhân xử thế; sách dạy ta phải sống lương thiện và sống có ích. Nên chọn được một cuốn sách có nội dung phù hợp là điều vô cùng cần thiết. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều các loại sách, cũng có những sách có nội dung không tích cực và văn minh, gây ảnh hưởng tiêu cực tới người đọc. Cũng có những sách được viết ra dành riêng cho những lứa tuổi và đối tượng nhất định. Bởi vậy, muốn đọc sách mang lại hiệu quả, trước hết mỗi người cần phải chọn được cho mình cuốn sách thực sự phù hợp với bản thân.

Sau khi chọn được cuốn sách phù hợp, chúng ta cần nắm được những điểm khái quát nhất của nó. Những thứ chúng ta phải chú trọng như: Nhà xuất bản, tác giả của cuốn sách, lời mà các tác giả muốn gửi gắm tới bạn đọc qua phần lời nói đầu và phần quan trọng nhất của mỗi cuốn sách đó là mục lục. Mục lục sẽ giúp chúng ta tổng quan về nội dung trước khi đến với việc đọc và hiểu. Đơn giản chỉ là khi bạn muốn làm việc gì thì bạn phải hình dung thứ tự thực hiện công việc đó. Và đọc sách cũng vậy, Hãy xem qua phần mục lục trước. Phần này giống như tóm tắt các ý chính của quyển sách. Có những quyển sách bạn không nhất thiết phải đọc từ đầu tới cuối. Bằng việc xem qua trước mục lục, bạn có thể biết được phần nào cần thiết, phần nào thú vị để có thể đọc ngay vào phần đó. Bên cạnh mục lục thì phần giới thiệu sách hay là lời mở đầu cũng vô cùng quan trọng.  Bạn không nên bỏ qua phần này. Vì trong đó tác giả có thể sẽ đề cập đến cách để sử dụng quyển sách một cách hiệu quả nhất.

Tiếp theo đó, sau khi lướt qua cuốn sách một lần, bạn đã biết đại khái nội dung cuốn sách. Giờ là lúc bạn cần đọc kỹ để hiểu được cặn kẽ nội dung của nó. Tùy vào từng phần nội dung mà bạn lựa chọn cách đọc cho hợp lý. Nội dung nào dễ, có thể hiểu nhanh thì bạn chỉ cần đọc lướt qua, nắm ý chính là được. Với những phần khó hơn, bạn cần vừa đọc vừa nghiền ngẫm cho thấm. Có một vài lưu ý vô cùng quan trọng khi chúng ta đọc sách như là:

Thứ nhất: không nên chỉ đọc một lần:

Hầu hết mọi người đều đọc một cuốn sách một lần rồi bỏ. Đó là một sai lầm mà nhiều người mắc phải. Vì bạn khó có thể nắm được hết tinh thần của quyển sách với chỉ một lần đọc. Chắc chắn sẽ có những chỗ mà bạn chưa hiểu được cặn kẽ vấn đề. Đó là lý do tại sao bạn cần đọc lại quyển sách hơn một lần.

Thứ hai: ghi chú lại những phần quan trọng

Sẽ có những đoạn thú vị, các trích dẫn quan trọng… mà bạn sẽ muốn lưu lại để sử dụng cho sau này. Những trích dẫn như thế sẽ rất có ích đối với bạn sau này. Chẳng hạn bạn có thể dùng để tham khảo khi viết một bài viết, hoặc đề cập đến trong một cuộc nói chuyện. Hơn nữa, đó có thể là những phần trọng yếu của quyển sách, phục vụ cho mục đích của bạn khi đọc quyển sách đó. Vì thế, trong quá trình đọc sách, hãy ghi chú lại những gì bạn cảm thấy tâm đắc, có giá trị. Điều này cũng giúp bạn rèn luyện được tư duy có chắt lọc, logic.

Thứ ba: Hình thành tư duy phản biện khi đọc

Tuy bạn đọc sách để tham khảo, học hỏi nhưng không phải tất cả những điều trong sách nói đều hợp lý. Bên cạnh tiếp thu những kiến thức có giá trị, bạn cũng cần phải sẵn sàng phản biện những điều mà bạn cho là chưa đúng. Vậy làm thế nào để biết là nó chưa đúng? Bạn có thể vận dụng những kiến thức mà mình đã tích lũy. Và nếu đọc thấy chỗ nào mà bạn nghi ngờ không biết có đúng hay không, hãy tìm những nguồn tham khảo có uy tín khác để xác nhận.

Thứ tư: Phân tích, suy ngẫm và rút ra bài học

Đừng chỉ đọc suông, hãy cố gắng phân tích xem: Vì sao tác giả lại viết như vậy? Hãy tự hỏi một số câu hỏi: Tại sao tác giả lại dùng ý này? Liệu có thể dùng ý khác hay không? Tác giả kết luận vậy đã đầy đủ chưa? Có cần bổ sung gì không? Khicó những phântích, suy ngẫm như vậy bạn sẽ hiểu sâu cuốn sách hơn. Từ việc phân tích và suy ngẫm về cuốn sách, đồng cảm và thấu hiểu với những thông điệp mà tác giả ký gửi ta có thể rút ra cho bản thân những bài học vô cùng quý báu.

Và cuối cùng, ta phải biết vận dụng những gì học được từ cuốn sách đó vào thưục tiễn cuộc sống. Bạn có biết điều lãng phí nhất khi đọc một quyển sách là gì không? Đó là đọc xong mà không áp dụng, thực hành gì cả. Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Học phải luôn đi đôi với hành”, quả không sai. Nếu không được vận dụng vào thưục tế thì những cuốn sách chỉ là tập hợp của những con chữ, con người ta cũng sẽ không đề cao đến thế vai trò của việc đọc sách. Cũng giống như việc bạn ước mơ nhưng lại chẳng tìm cách để hiện thực hóa nó vậy, để đến cuối cùng ước mơ cũng chỉ là danh từ hai chữ mà thôi! Bạn đã tốn công sức, thời gian để đọc một quyển sách thì hãy tìm cách để vận dụng triệt để những điều trong sách vào công việc cũng như cuộc sống. Hãy đúc kết lại những điều đã học được, rút ra được những bài học quý báu từ sách và tự hỏi: Mình có thể ứng dụng những điều này như thế nào đây?

Trên đây là những phương pháp đọc sách hiệu quả nhất mà tôi đã đúc rút cho bản thân.

Khi đã biết đọc sách một cách hiệu quả thì sách sẽ “Mở ra trước mắt ta những chân trời mới”. Cùng tới với những lợi ích mà sách mang lại cho con người:

Đầu tiên là việc mở rộng vốn từ. Sách là tác phẩm nghệ thuật được xây dựng bằng ngôn từ.  Ngôn từ cũng có rất nhiều hình thái, ý nghĩa. Bởi vậy, khi đọc sách chúng ta sẽ có thể nâng cao khả năng sử dụng ngôn ngữ. Mọi thứ bạn đọc mỗi ngày sẽ giúp cho não bộ luôn luôn được “nạp” kiến thức và thông tin. Bạn sẽ không thể lường trước được khi nào bạn sẽ cần đến những kiến thức đó. Vì vậy, đọc sách mỗi ngày giúp bạn được trang bị kiến thức một cách đầy đủ nhất có thể để sẵn sàng đương đầu với mọi thách thức mà bạn phải đối mặt. Thêm nữa, đây cũng là điều đáng để các bạn cân nhắc về việc tạo cho mình một thói quen đọc sách: khi bạn rơi vào hoàn cảnh khó khăn nhất, hãy nhớ rằng, bạn có thể bị lấy mất mọi thứ như công việc, tiền bạc thậm chí là sức khỏe, nhưng kiến thức mà bạn có được từ sách thì vẫn ở đó, trong đầu bạn và mãi không ai có thể lấy đi. Việc đọc sách giúp mở rộng vốn từ cũng tương tự như vậy, bạn càng đọc nhiều sách bao nhiêu, thì vốn từ vựng của bạn cũng vì thế mà càng dày lên bấy nhiêu. Và vốn từ vựng cũng là thứ tài sản giống như tri thức, nó là của riêng bạn mà bất kì ai sử dụng phương pháp nào cũng không thể mang vốn từ của bạn đi.

Tác động tích cực tới khả năng ghi nhớ của mỗi người. Khi bạn đọc một cuốn sách, bạn phải ghi nhớ rất nhiều thứ từ hàng loạt các nhân vật, bối cảnh câu chuyện, diễn biến câu chuyện cũng rất nhiều những tình tiết khác nữa. Việc phải ghi nhớ những gì mình đọc được khiến não bộ phải hoạt động tích cực hơn. Do đó, nếu bạn có thói quen đọc sách hàng ngày, thì bộ não của bạn sẽ cải thiện khả năng ghi nhớ một cách đáng kể. Có một sự thật rất đáng ngạc nhiên đó là, khi bạn tạo ra một kí ức mới, não sẽ tạo ra những sự liên kết mới và làm những liên kết cũ mạnh mẽ hơn. Vì vậy mới nói, đọc sách không những giúp bạn tạo ra rất nhiều sự liên kết kí ức mới, mà còn làm những kí ức cũ mạnh mẽ hơn. Nhờ vậy, những người có thói quen đọc sách thường có khả năng ghi nhớ rất tốt.

Ngoài những tác động trên thì đọc sách cũng là một cách để chúng ta giải trí vô cùng hiệu quả. Mặc dù hiện nay có rất nhiều những phương tiện và hình thức giải trí hiện đại, song sách vẫn là một hình thức giải trí mà không một hình thức nào có thể thay thế. Dù bạn có phải chịu áp lực trong công việc, trong học tập, trong các mối quan hệ hoặc trong bất kì vấn đề gì khác như thế nào đi chăng nữa, thì tất cả những áp lực đó đều sẽ được thổi bay khi bạn đắm mình trong những trang sách với những câu chuyện hấp dẫn.

Một tiểu thuyết hay với cách viết tuyệt vời có thể mang tâm hồn bạn rời xa những áp lực hiện có và đắm chìm trong thế giới của các nhân vật trên trang sách và dần cảm thấy được thư giãn. Sau đó, khi gấp sách lại, bạn sẽ cảm thấy bình tĩnh hơn để đối mặt với những áp lực hiện tại và dễ dàng giải quyết nó một cách ổn thỏa. Do đó mới nói, giải trí bằng sách là hình thức giải trí không một hình thức nào có thể thay thế được.

Ngoài ra đọc sách còn tập tổng hợp và vận dụng. Trong thế giới hiện đại không ngừng vận động, thì sự tập trung và chú ý của mỗi chúng ta bị phân tán và chia thành hàng trăm hướng cho hàng trăm công việc mà chúng ta phải thực hiện mỗi ngày. Nhưng khi đọc một cuốn sách thì khác, tất cả sự chú ý của bạn sẽ chỉ dành cho câu chuyện đó, phần còn lại của thế giới sẽ bị bạn bỏ ngoài tâm trí khi bạn “phiêu” trong câu chuyện. Bạn sẽ tập trung đến từng nhân vật và từng chi tiết nhỏ trong câu chuyện.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nếu bạn tập trung đọc sách trong khoảng 15 đến 20 phút trước khi bắt đầu học tập hoặc làm việc, thì bạn sẽ phải ngạc nhiên về sự tập trung học tập, làm việc của mình vào ngày hôm đó. Vì vậy, hình thành thói quen đọc sách còn là giúp bản thân cải thiện khả năng tập trung và chú ý. Với những lợi ích vô cùng to lớn trên, thì dù có nhiều hình thức giải trí hiện đại đến đâu, nhiều công cụ hỗ trợ ghi nhớ như thế nào thì vẫn không thể thay thế được sách cũng như vai trò của sách đối với đời sống con người.

Câu 2:

Nhà giáo dục Mann Horace đã từng nói ‘Nếu tôi có quyền thế, tôi sẽ đem sách mà gieo rắc khắp mặt địa cầu như người ta gieo lúa trong luống cày vậy’… Bởi lẽ, sách không đơn giản chỉ là khối hình chữ nhật, bên trong vô vàn là chữ. Mà mỗi cuốn sách tưởng chừng như vô tri vô giác ấy lại là một linh hồn.

Đối với tôi sách như là một người bạn, một người thầy, hay một khoảng riêng để tôi nhìn nhận lại cuộc sống vốn bộn bề, tấp nập. Đọc sách đối với tôi như một niềm đam mê, niềm đam mê ấy như thể được cất giấu trong một góc khuất nào đó của tâm hồn tôi. Vậy nếu được chọn làm đại sứ Văn Hóa đọc, tôi sẽ chia sẻ và giúp đỡ với những người cùng chung niềm đam mê, hơn cả là những người không hề thích đọc sách. Tôi sẽ tuyên truyền cho cộng đồng thấy rằng sách góp phần hình thành nên nhân cách con người, giúp con người ta nâng cao tri thức của mình. Nhân cách con người giống như một mầm cây nhỏ và mỗi cuốn sách là một giọt nước. Đọc nhiều sách cũng giống như tiếp thêm dinh dưỡng cho mầm cây nhỏ đó phát triển xanh tốt trở thành những cây trưởng thành giúp ích cho xã hội. Nếu là đại sứ tôi sẽ được tham gia các hội sách, được giao lưu với những người chung niềm đam mê. Từ đó, tôi có thể lan tỏa tình yêu sách, cất lên tiếng nói, truyền cảm hứng đọc sách đến cộng đồng. Với tư cách là một đại sứ, tôi sẽ đồng hành với dự án “Cùng đọc sách” tiên phong, tạo nên một thế hệ trẻ biết trân trọng, biết tận dụng nguồn lợi không gì thay thế đến từ những cuốn sách hay. Qua đó tôi cùng những người yêu sách sẽ tìm thấy tiếng nói chung, sự đồng cảm chia sẻ với nhau về thông điệp mà mỗi cuốn sách đem lại. Làm đại sứ văn hóa đọc, tôi có cơ hội được trải nghiệm mình. Chẳng hạn như giao lưu giúp tôi tăng khả năng giao tiếp hay tăng khả năng sáng tạo, tư duy. Ngoài ra sách còn giúp ta giải trí, cảm thấy cuộc đời rất đỗi phong phú, muôn màu muôn vẻ.

Bên cạnh đó, tôi sẽ mua thêm thật nhiều cuốn sách hay. Chính tay tôi sẽ đem tặng số sách đó cho những trẻ em nghèo ở vùng sâu vùng xa không có tiền mua sách mà lại có niềm đam mê đọc sách như tôi. Qua đây, tôi cũng phần nào gắn kết mọi người với nhau, cùng nhau trao đi tình yêu thương, niềm đam mê đối với cộng đồng.

Với tôi làm đại sứ hay không không còn quan trọng nữa. Bởi lẽ, dù có vinh dự được danh hiệu đó hay không, tôi cũng mong mình có thể khuyến khích mọi người cùng đọc sách, lan tỏa được tình yêu sách của tôi đến với cộng đồng bằng những việc làm nhỏ như quyên góp sách cho thư viện trường hay ủng hộ sách cho những em nhỏ nghèo. Nhà văn H.Godefroy có câu: ”Những quyển sách làm say mê ta đến tận xương tủy, chúng nói chuyện với ta, cho ta lời khuyên và liên kết với ta bởi một tình thân mật, sống động và nhịp nhàng”

Có ai đó đã từng nói rằng: Đọc sách có thể không giàu, nhưng không đọc, chắc chắn nghèo! Bạn có thể giàu có về vật chất nhưng về trí tuệ và đời sống tinh thần sẽ không thể đủ đầy và rộng mở nếu bạn không đọc sách. Sách mở ra cho ta thế giới mới, mang ta đến những chân trời mới và điều quan trọng hơn hết, sách là người bạn thân thiết nhất sẽ không bao giờ bỏ ta đi. Với tôi, việc đọc sách rất quan trọng . Nếu được vinh dự chọn để trở thành một Đại sứ văn hóa đọc thì tôi sẽ có những suy nghĩ, hành động và việc làm để lan tỏa tình yêu đọc sách đến với mọi người.

Tất cả mọi vấn đề đều xuất phát từ nguyên nhân cụ thể. Trước tiên, bản thân tôi sẽ tìm hiểu kĩ về nguyên nhân vì sao khiến mọi người không thích đọc sách. Có thể thấy rằng, từ xưa đến nay, việc đọc sách tại đất nước ta chưa được chú trọng nhiều. Ảnh hưởng trực tiếp đến việc đọc sách phải kể đến ngành giáo dục bởi đây là một trong những ngành ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức ngay từ khi còn nhỏ của học sinh. Hơn nữa, cha mẹ, gia đình đều không có những nhắc nhở hay định hướng cụ thể cho các em khi còn nhỏ để giáo dục các em về văn hóa đọc sách. Ngoài ra, việc các tổ chức, đoàn thể không chú trọng đẩy mạnh công tác đọc sách đã gây ra nhiều những trở ngại cho việc tiếp cận văn hóa đọc của mọi người. Và còn thêm rất nhiều những nguyên nhân khách quan khác tác động đến việc đọc sách của mọi người, nhưng có lẽ quan trọng nhất vẫn là nguyên nhân chủ quan từ chính trong suy nghĩ, nhận thức của mỗi chúng ta. Chúng ta thường có tư tưởng ỷ lại, lười nhác, đặc biệt trong việc đọc sách. Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển rầm rộ như ngày nay, chúng ta có tư tưởng bất cứ thứ gì cũng được tìm kiếm trên các trang web. Thông tin tràn lan, cập nhật hàng ngày, đỡ mất thời gian và tiền bạc để đi mua sách. Sau đây là một số phương pháp giúp các bạn cảm thấy hứng thú trong việc đọc sách.

Thứ nhất, bản thân mỗi người cần nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của việc đọc sách. Chỉ khi nhận thức được vai trò quan trọng của việc đọc sách, bản thân chúng ta mới có động lực và ý thức được bản thân mình.

Thứ hai, cần lập ra kế hoạch cụ thể khi bạn đọc sách. Nếu bạn đọc một cuốn sách theo cách thông thường, tức là khi nào rảnh mới đọc, có nhiều khi vì quá bận rộn nên sao nhãng việc đọc sách, khiến việc đọc sách kéo dài thời gian nhiều tháng. Điều này khiến việc đọc sách không được liền mạch và đôi khi bạn sẽ phải xâu chuỗi lại những chi tiết trong cuốn sách mới có thể hình dung được đến phần mình đọc. Từ hôm nay, bạn hãy tự đặt ra cho mình những kế hoạch đọc sách theo quy củ. Thời gian nào đọc sách, đọc vào lúc mấy giờ? Mỗi ngày đọc những cuốn sách nào? Mỗi ngày dự định đọc được bao nhiêu trang? Khi thiết lập được kế hoạch, mục tiêu đọc sách của mình, chúng ta sẽ thực hiện có trình tự và sẽ đạt được những hiệu quả nhất định. Điều này cũng khiến bạn rèn luyện thói quen tự ý thức trách nhiệm đối với bản thân.

Thứ ba, việc lựa chọn những cuốn sách thực sự cần thiết với bản thân. Điều này khá quan trọng vì khi bạn cần bổ sung tri thức nào thì bạn sẽ cảm thấy có động lực và hứng thú hơn so với việc đọc những cuốn sách vô bổ, thậm chí là không lành mạnh, không mang lại lợi ích cho bạn. Thời điểm lựa chọn một cuốn sách thích hợp đối với bản thân mình rất quan trọng. Theo tôi, đây cũng chính là lợi ích lớn nhất mà việc đọc sách mang lại. Nếu bạn đang buồn chán, mất niềm tin vào cuộc sống, bạn được tặng một cuốn sách tiếp thêm cho bạn động lực và niềm tin, chắc chắn bạn sẽ thấy những vấn đề mình gặp phải vô cùng đơn giản và có thể giải quyết nó một cách dễ dàng. Nếu bạn đang thất tình, bạn mất niềm tin vào tình yêu, bạn tìm thấy một cuốn sách về hạnh phúc, cách tự học yêu lấy bản thân mình, bạn ắt hẳn sẽ cảm thấy cuộc đời đáng sống và còn nhiều điều đang chờ đón bạn phía trước. Bản thân tôi cũng là người tìm được cho mình những cuốn sách hay và cần thiết trong những lúc mất niềm tin nhất. Một người bạn đã tặng tôi cuốn sách ‘Đắc nhân tâm’ khi tôi mới bắt đầu sự nghiệp của mình. Cuốn sách đến với tôi đúng thời điểm và tôi tìm được trong đó nhiều ý nghĩa hơn những gì tôi nghĩ. Cuốn sách mang lại cho tôi nhiều điều bổ ích và nhờ nó, tôi đã khởi nghiệp thành công. Vậy mới thấy được, việc đọc một cuốn sách đôi khi có thể làm thay đổi cả suy nghĩ, tình cảm và thậm chí là cả cuộc đời bạn.

Thứ tư, tôi nghĩ chúng ta nên tạo ra một không gian đọc sách thoải mái. Bạn sẽ không thể ngồi trong một phòng ồn ào với tiếng cười nói để “nghiền” một cuốn sách được. Hay bạn cũng không thể đọc chúng trong những không gian tối tăm, ẩm thấp hay gò bó…Điều mà bạn cần làm là hãy tạo ra một không gian riêng cho việc đọc sách của mình thêm thoải mái và tự do tư tưởng. Hãy tìm một căn phòng tĩnh mịch, một chiếc ghế tựa và thả mình với những trang sách đầy suy tư.

Thứ năm, tôi khuyên bạn hãy thường xuyên đến thư viện. Việc đến thư viện sẽ giúp cho bạn có những lựa chọn nhất định cho những dự định đọc sách của mình. Tại nơi đây, bạn cũng sẽ có một không gian thoải mái để đọc sách hay có thể trao đổi tri thức từ những gì mình đọc được với bạn bè, mọi người xung quanh. Việc trao đổi tri thức đôi khi cũng khiến thế giới tri thức của chúng ta thêm rộng mở.

Tiếp theo, tôi khuyên bạn nếu có thời gian hãy tham gia vào những câu lạc bộ sách. Đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên hiện nay, mỗi trường học đều có một câu lạc bộ sách. Đây là nơi các bạn có thể trao đổi sách với nhau, mượn trả hay bình phẩm về một cuốn sách. Điều này giúp bạn có thêm nhiều tri thức hơn và đồng thời cũng có những nhận thức mới về những cuốn sách mình dự định sẽ đọc. Bạn cũng nên tham gia vào các sự kiện hội sách. Tại những địa điểm nhất định sẽ có những hội sách để mọi người có thể mua bán, đổi trả, trao đổi sách cũ, mới với nhau. Điều này vừa giúp bạn có thêm những lựa chọn về những quyển sách trong tủ của mình vừa tiết kiệm được một khoản tiền nho nhỏ khi mua sách cũ.

Việc đọc sách sẽ được ý nghĩa hơn nếu bạn lan tỏa văn hóa đọc sách đến với mọi người. Là một người trẻ tuổi, hãy mang niềm đam mê và nhiệt huyết của mình để lan tỏa điều ấy đến với mọi người xung quanh. Khi ấy, việc đọc sách của bạn còn có ý nghĩa vô cùng lớn lao vì nó đã được lan tỏa đến với mọi người. Bạn đọc sách, tôi đọc sách và mọi người cùng đọc sách.

Bản thân tôi đã, đang và sẽ thực hiện những kế hoạch và phương pháp trên cho việc đọc sách của mình thêm hiệu quả hơn. Tôi hi vọng bạn sẽ giúp tôi lan tỏa những cuốn sách hay, những cách đọc sách hiệu quả đến với mọi người để văn hóa đọc sách trở nên phổ biến đối với mọi người. Hãy thử tưởng tượng, một ngày bạn ra công viên, những nơi công cộng, thay vì những chiếc điện thoại trên tay, mọi người đang cầm những cuốn sách. Hãy tưởng tượng trong khuôn viên trường, các bạn học sinh sinh viên ngồi trao đổi ý nghĩa của những cuốn sách mình đọc được thay vì túm tụm lại để bàn về một chiếc váy mới mua hay một trào lưu nào đó mới mẻ của giới trẻ. Hãy thử tưởng tượng trong những ngôi nhà, sau giờ ăn cơm, cha mẹ sẽ ngồi lại và đọc cho con nghe một cuốn truyện, một cuốn sách hay về cuộc sống thay vì những chương trình giải trí trên truyền hình. Thật sự tuyệt vời biết bao…Người ta thường nói sách vừa là một người bạn tri âm, tri kỷ, vừa là một người thầy. Cả thế giới đang nằm trong tầm tay bạn, thực hiện được hay không là do bạn… Hãy thay đổi nhận thức ngay từ hôm nay để bước đến với những thế giới tri thức ý nghĩa của nhân loại.

Đây là một số biện pháp nhằm khuyến khích mọi người tham gia đọc sách:

  • Tổ chức một nhóm nhỏ mọi người có thể đóng góp sách vở của mình cho mọi người có thể đọc được nhiều thể loại.
  • Tổ chức các cuộc thi đọc sách, đọc hiểu kiến thức.
  • Tuyên truyền với mọi người về lợi ích của sách.
  • Thường xuyên cùng bạn bè đến thư viện.
  • Hãy tổ chức một cuộc thi đọc sách với luật là : ai đọc sách và hiểu sách nhiều nhất sẽ là người thắng cuộc.
  • Tổ chức cuộc thi nhỏ với đề bài:”hãy thuyết trình về cuốn sách yêu quý của bạn” và thuyết trình cảm nhận của mình về cuốn sách yêu quý của minh.
  • Mở các sự kiện trao đổi sách
  • Tham gia các câu lạc bộ đọc sách
  • Lập kế hoạch cho những cuốn sách mà chúng ta sẽ đọc

Sau đây là một số biện pháp giúp mọi người cảm thấy hứng thú hơn khi đọc sách

  • Mang sách theo bên mình mọi lúc mọi nơi để tranh thủ những lúc có thời gian rảnh rỗi đọc sách nhiều hơn. Đặc biệt là sách điện tử.
  • Hãy tạo một danh sách các đầu sách bạn dự định sẽ đọc.
  • Hãy đọc nhiều loại sách khác nhau. Việc này giúp giữ cho tâm trí và suy nghĩ của bạn luôn tươi mới.
  • Chia sẻ những gì bạn đã đọc được. Việc chia sẻ những điều bổ ích mình đã đọc được là một biện pháp rất hữu hiệu để mọi người có thể biết thêm nhiều cuốn sách hay và bổ ích khác.
  • Nghe sách nói. Điều này có thể chưa hợp lý đối với văn hóa đọc tuy nhiên nó cũng giúp bạn nắm được rất nhiều nội dung mới của những cuốn sách hay khi bạn đang di chuyển.
  • Luôn tìm kiếm những quyển sách hay, nếu bắt gặp lướt qua ở đâu hãy chụp ảnh hoặc note lại và sau đó hãy kiếm tìm chúng.
  • Hãy lập thời gian biểu cho việc đọc sách, điều này sẽ giúp chúng ta tạo ra thói quen đọc sách mỗi ngày.

Mong rằng, tới đây sách sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi con người và ai cũng sẽ tìm thấy cuốn sách “gối đầu giường” của mình!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.